NGUỒN GỐC, XUẤT XỨ
BÁNH PHU THÊ BẮC NINH
Chuyện kể rằng khi vua Lý Anh Tông xuất chinh, hoàng hậu chính tay vào bếp làm ra món bánh gửi theo chồng đi đánh trận. Nhà vua cảm động, khi ăn lại thấy hương vị rất ngon bèn đặt tên là bánh phu thê và truyền rộng ra dân gian. Là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý nên Đình Bảng là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này.
Có một số nơi vẫn gọi lầm bánh phu thê là bánh xu xuê hay xu
xê. Đó là một sự hiểu lầm đáng trách bởi ngay từ tên gọi, món bánh này đã hàm
chứa một câu chuyện cảm động về tình vợ chồng đằm thắm, gắn bó keo sơn.
Để làm được ra chiếc bánh phu thê cũng khá kì công. Nguyên
liệu làm bánh bao gồm gạo nếp, đường cát, đậu xanh, dừa, hoa dành dành và đu đủ
khô.
Trước hết là công đoạn chọn gạo. Gạo phải là loại nếp cái
hoa vàng, đều hạt, được vo sạch và giã tay bằng cối. Bột giã được chiết lấy
tinh bột mịn chừng phân nửa lượng gạo, xay nhuyễn và đem phơi. Trong các công
đoạn thì đây là công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi kinh nghiệm và bí quyết làm
nghề lâu năm, chỉ có tại Đình Bảng. Gạo không đều, xay bằng máy hay phơi bột
chưa đủ khô sẽ làm mất độ dai, dẻo của bánh – đặc trưng tối quan trọng của loại
đặc sản này.
Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kĩ, đãi vỏ, đem đồ và thắng đường
cát. Khi gói bánh, người thợ trộn thêm sợi đu đủ khô để tạo độ dai và thêm sợi
dừa nạo để bánh có vị ngậy. Nhân bánh cũng thường được thêm hạt sen để tạo vị
thơm ngon, hấp dẫn.
Bánh thành phẩm có màu vàng nhạt, có độ trong vừa phải để
khi bóc ra, ta có thể thấy được nhân bán ẩn khuất phía sau lớp vỏ bánh dày vừa
phải. Để tạo màu, nguyên liệu được chọn là hoa dành dành phơi khô, nấu lấy nước
để trộn bột.
Bánh được gói thành hai lớp. Bên trong là lớp lót lá chuối
tiêu có mùi thơm dịu, bên ngoài được bọc bằng lá dong và buộc một sợi lạt đỏ.
Bánh được gói thành cặp (không để lẻ bánh) và được bày bán ở Đền Đô, Đình Làng
và chuyển sang Hà Nội phục vụ các lễ cưới, lễ hỏi của các đôi uyên ương.
Một chiếc bánh đơn giản nhưng chứa đựng trong mình cả một
triết lý Á Đông sâu sắc. Lá bánh xanh mướt tượng trưng cho sự chung thủy của
người vợ Việt Nam.
Sợi dây kết đôi bằng lạt nhuộm đỏ mô phỏng sợi tơ hồng thể hiện tình vợ chồng.
Bánh có màu vàng trong thể hiện tình yêu thương thầm kín, chứa đựng sự quan
tâm, chăm sóc của người vợ đối với chồng mình.
Bánh được bóc ra đã tỏa mùi hương mát dịu. Đưa cho người yêu
thương cùng ăn là sự thể hiện tình cảm trìu mến trước một thức trân phẩm nhiều
ý nghĩa. Cắn một góc bánh, nhai nhẹ, cảm giác mềm mại và gợn lên cái dai dai
của sợi đu đủ khô. À! Thì ra là thế. Hàm ý sâu xa của chiếc bánh nhắc nhở người
chồng đừng quên tình nghĩa lứa đôi khi vấn vương vị bánh trong miệng.
Bánh phu thê – với tên gọi của mình đã tự nói lên ý nghĩa
tiềm ẩn về một cuộc sống gia đình ấm áp. Bánh có ở nhiều nơi để gọi là bánh phu
thê đúng nghĩa thì chỉ có ở Đình Bảng. Nếu về Bắc Ninh mà chưa có cơ hội thưởng
thức bánh phu thê Đình Bảng hay mua về làm quà cho người thân thì có thể nói là
bạn đã bỏ phí một phần chuyến đi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét